SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC THÀNH LẬP CẢNH SÁT DU LỊCH TẠI VIỆT NAM

Ngày đăng: 19-11-2019 14:47:41

     1. Đặt vấn đề

     Công nghiệp du lịch nhà hàng khách sạn là một trong những lĩnh vực đóng góp nguồn thu lớn cho nền kinh tế của nhiều quốc gia. Theo Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới (WTTC), năm 2017 du lịch đã tạo ra hơn 313 triệu việc làm và nằm trong top 11 ngành có nhu cầu nhân lực cao nhất thế giới. Tại Việt Nam, ngành công nghiệp du lịch những năm gần đây đã có sự phát triển nhanh chóng, 15,5 triệu lượt khách quốc tế đã đến Việt Nam năm 2018, cùng với 80 triệu lượt khách nội địa đã tạo ra tổng thu 620.000 tỉ đồng cho ngành du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ khách du lịch vẫn đã và đang là vấn đề nhức nhối của Việt Nam. Thời gian gần đây liên tiếp nhiều vụ bán thức ăn, đồ uống cho du khách, đi taxi, lưu trú khách sạn với giá rất cao (chặt, chém), ... đã liên tiếp được phản ánh, đến mức độ thành hẳn “thương hiệu”: Bắc lưu danh Sầm Sơn, Nam đáng sợ Nha Trang. Danh sách các địa phương xảy ra tình trạng chặt chém du khách không ngừng được kéo dài đến Hải Phòng, Huế, Vũng Tàu, thậm chí Hà Nội. Bên cạnh đó, hàng loạt những vấn đề khác có liên quan đến sự an toàn của du khách như cướp giật, trộm cắp tài sản, tệ nạn xã hội, hoặc các hoạt động hỗ trợ du khách bị bỏ quên như hướng dẫn đường, chỉ dẫn du lịch, giới thiệu các cơ quan nhà nước cần thiết, ... đã đặt ra ngày càng cấp thiết phải có một lực lượng chuyên trách đảm nhiệm. Những vấn đề này không những làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành du lịch bởi du khách một đi không trở lại mà còn ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của đất nước, của dân tộc. Tuy nhiên, một giải pháp để giải quyết triệt để vấn đề thì chưa có quyết định cuối cùng của các cơ quan có thẩm quyền. Thành lập lực lượng cảnh sát du lịch đ bảo vệ du khách, thực thi pháp luật trong trường hợp cần thiết là giải pháp phổ biến ở nhiều quốc gia có ngành công nghiệp du lịch phát triển trên thế giới, cũng như ở nhiều nước xung quanh Việt Nam như Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Malaysia ... thậm chí Nepal, Sri Lanka. Tại Việt Nam, vấn đề này đã được nêu ra từ nhiều năm trước và thậm chí đã từng cho phép Đà Nẳng thí điểm thành lập cảnh sát du lịch từ năm 201621. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến du lịch và cảnh sát vẫn chưa có bất cứ quy định chính thức nào liên quan đến thành lập, tổ chức và hoạt động của cảnh sát du lịch Việt Nam. Trước xu thế của thế giới, nhu cầu thực tiễn, việc thành lập cảnh sát du lịch là một trong những vấn đề quan trọng góp phần tạo  điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp du lịch Việt Nam phát triển và cần có sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia đ làm cơ sở cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa ra quyết định của mình trong giai đoạn sắp tới.

     2. Những vấn đề đặt ra đối với việc thành lập cảnh sát du lịch tại Việt Nam

     2.1 Cơ sở pháp lý hiện hành liên quan đến lực lượng cảnh sát du lịch của Việt Nam

Văn bản pháp luật đầu tiên điều chỉnh các vấn đề liên quan đến du lịch của Việt Nam là Pháp lệnh Du lịch 1999 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/1999). Tại Điều 1 Pháp lệnh đã khẳng định: “du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao; phát triển du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng của nhân dân và khách du lịch quốc tế, góp phần nâng cao dân trí, tạo việc làm và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. Đối với vấn đề bảo vệ khách du lịch, Pháp lệnh chỉ có một quy định mang tính nguyên tắc tại khoản 5 Điều 21: “Được bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản trong chuyến đi du lịch” mà chưa có bất kỳ một quy định nào liên quan đến lực lượng chuyên trách bảo vệ khách du lịch. Luật Du lịch 2005 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2006) là văn bản pháp luật đầu tiên quy định cụ thể về đảm bảo an toàn cho khách du lịch tại Điều 37. Khoản 1 Điều 37 Luật quy định: “Cơ quan nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa rủi ro, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, tài sản của khách du lịch và ngăn chặn những hành vi nhằm thu lợi bất chính từ khách du lịch”. Ngoài ra, khoản 2 Điều 86 Luật quy định: “Tại đô thị du lịch, khu du lịch và nơi có lượng khách du lịch lớn thì cơ quan nhà nước về du lịch cấp tỉnh tổ chức việc tiếp nhận yêu cầu, kiến nghị của khách du lịch”. Tại thời điểm năm 2005, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở cấp trung ương là Tổng cục Du lịch (Vietnam National Administration of Tourism), một cơ quan trực thuộc Chính phủ. Từ năm 2007, Tổng cục Du lịch bị sáp nhập vào Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bởi Nghị định số 09/NĐ-CP ngày 08/8/2007 của Chính phủ. Tại địa phương, thời điểm năm 2005 cơ quan quản lý nhà nước về du lịch là Sở du lịch trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Từ thời điểm năm 2008 các Sở Du lịch đều sáp nhập vào Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 23/10/2014 đã tái thành lập Sở Du lịch trên cơ sở tách chức năng quản lý du lịch ra khỏi Sở Văn hóa, Thăm và Du lịch của Thành phố. Như vậy, theo Luật Du lịch 2005 cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cũng sẽ là cơ quan thực thi các biện pháp nhằm bảo vệ du khách. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ tháng 4/2006 đã thành lập lực lượng trật tự viên bảo vệ du khách do Công ty Dịch vụ công ích thanh niên xung phong đảm nhận việc tuyển dụng nhân sự, tổ chức học sinh ngữ và học nghiệp vụ đảm bảo thực thi được công việc, riêng về nghiệp vụ bảo vệ, võ thuật sẽ do ngành công an đảm nhận. Ngoài các quy định trên, Luật Du lịch 2005 không có quy định nào khác liên quan đến lực lượng chuyên trách bảo vệ khách du lịch. Luật Du lịch 2017 thay thế Luật Du lịch 2005 (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018) tại Điều 13 về “Bảo đảm an toàn cho khách du lịch” cũng quy định chung như Luật Du lịch 2005. Khoản 1 Điều 13 Luật Du lịch 2017 quy định: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại khu du lịch, điểm du lịch”. Tại Chương VIII “Quản lý nhà nước về du lịch” (Điều 73 – Điều 75) cũng không quy định về việc thành lập lực lượng chuyên trách bảo vệ khách du lịch. Như vậy, các văn bản pháp luật chuyên ngành điều chỉnh hoạt động du lịch đến thời điểm hiện tại chưa có quy định cụ thể liên quan đến việc thành lập lực lượng cảnh sát du lịch tại Việt Nam. Các văn bản pháp luật liên quan đến lực lượng cảnh sát hiện tại gồm Luật Công an nhân dân 2018 (có hiệu lực từ 01/7/2019), Luật Cảnh sát biển 2018 (có hiệu lực từ 01/7/2019), Luật Phòng cháy chữa cháy 2001 (có hiệu lực từ 04/10/2001) được sửa đổi, bổ sung năm 2013, Pháp lệnh Cảnh sát môi trường 2014 (có hiệu lực từ 05/6/2015) cũng không có bất cứ quy định nào liên quan đến lực lượng cảnh sát du lịch vì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật Tóm lại, các cơ sở pháp lý hiện hành đều chưa có quy định cụ th trực tiếp điều chỉnh vấn đề thành lập, tổ chức, hoạt động của lực lượng cảnh sát du lịch tại Việt Nam.

     2.2 Kinh nghiệm quốc tế về lực lượng cảnh sát du lịch

     Đối với Hàn Quốc: Là quốc gia có ngành công nghiệp du lịch phát triển vào bậc nhất châu Á và đứng vào danh sách những quốc gia có lượng du khách quốc tế lớn nhất thế giới, nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách quốc tế tới thăm xứ sở kim chi, đơn vị cảnh sát du lịch trực thuộc lực lượng cảnh sát Hàn Quốc được thành lập từ năm 2013. Ban đầu, cảnh sát du lịch hoạt động chủ yếu ở các quận đông du khách tại Seoul, sau đó được thành lập ở các vùng du lịch trọng điểm khác như Busan, Incheon... Cảnh sát du lịch Hàn Quốc có nhiệm vụ tuần tra, báo cáo các hoạt động buôn bán bất hợp pháp, xử lý các vấn đề phát sinh, cung cấp thông tin cho du khách... Tại thủ đô Seoul, nhiệm vụ chính của cảnh sát du lịch là bảo vệ du khách khỏi nạn trộm cắp, lừa đảo và hướng dẫn các du khách trong trường hợp bị lạc đường. Ngoài ra, cảnh sát du lịch Hàn Quốc tại Seoul còn có nhiệm vụ thực thi luật pháp, trật tự, hạn chế việc người bán hàng và các xe taxi tăng giá ép khách. Họ cũng chính là người thực thi việc phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng với mức phạt 200.000 won, tương đương 200 USD... Hiện lực lượng cảnh sát du lịch Hàn Quốc có 4 đồn cảnh sát du lịch được đặt tại những điểm đông khách du lịch nhất của Seoul là Myeongdong, Insa-dong, Itaewon và Hongdae. Ngoài ra còn có lực lượng cảnh sát du lịch tại thành phố biển Busan và sân bay quốc tế lớn nhất Hàn Quốc Incheon. Như vậy, cảnh sát du lịch Hàn Quốc không thành lập ở tất cả các địa phương trên cả nước mà chỉ tập trung tại các địa bàn trọng điểm về du lịch, đông du khách, đặc biệt là du khách quốc tế và cảnh sát du lịch Hàn Quốc có quyền xử phạt hành chính đối với một số hành vi nhất định của du khách bên cạnh chức năng hỗ trợ. Có thể nói cảnh sát du lịch Hàn Quốc có bản chất tương đương với các lực lượng cảnh sát chuyên ngành khác, là lực lượng thực thi quyền lực thuộc bộ máy nhà nước.

     Đối với Thái Lan: Cảnh sát du lịch (Tourist police) ở Thái Lan là đơn vị đặc biệt được thiết lập bởi cơ quan cảnh sát Hoàng gia Thái Lan. Lực lượng này thường trực có mặt tại các điểm du lịch nổi tiếng như Bangkok, Chiang Mai, Phuket, Pattaya... để đảm bảo vấn đề an ninh như phát hiện và bắt giữ tội phạm liên quan đến hoạt động du lịch như: Nhập cư bất hợp pháp, các tour du lịch “chui”, hướng dẫn viên đi tour không đúng với quy định, tai nạn giao thông đường bộ, trộm cắp, các vấn đề về khách sạn, nhà hàng... Lực lượng Cảnh sát du lịch Thái Lan được hình thành và phát triển từ những năm 1970. Mục đích ban đầu là để đảm bảo an ninh từ các khối doanh nghiệp tư nhân, cơ quan phát triển du lịch Thái Lan và một số công ty quảng cáo. Năm 1992, Chính phủ Thái Lan nhận ra tầm quan trọng của nhiệm vụ đặc biệt này, do đó đã thành lập hẳn một đơn vị chuyên trách, gọi là lực lượng cảnh sát du lịch. Ban đầu, đơn vị này là một phòng trực thuộc Cục đấu tranh, trấn áp tội phạm theo sắc lệnh của nhà vua. Tuy nhiên, do ngành du lịch Thái Lan phát triển mở rộng cùng số lượng khách du lịch tăng và nhiều điểm du lịch  mới xuất hiện nên cảnh sát du lịch đã thay đổi từ một phòng cảnh sát du lịch thuộc Cục đấu tranh trấn áp tội phạm sang trực thuộc Cục cảnh sát điều tra theo đúng sắc lệnh của hoàng gia (Sắc lệnh số 17 năm 1991). Như vậy, cảnh sát du lịch Thái Lan có điểm tương đồng với cảnh sát du lịch Hàn Quốc, là lực lượng chuyên trách thuộc cảnh sát quốc gia và có quyền lực nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ của mình.

     Đối với Malaysia: Cảnh sát du lịch Malaysia là một đơn vị đặc biệt của Cảnh sát hoàng gia Malaysia, được thành lập từ năm 1985, nhằm hỗ trợ du khách thông tin về luật pháp, phong tục, Văn hóa và điểm đến tại địa phương. Đồng phục của Malaysia có màu xanh, với mũ cứng viền trắng. Họ có nhiệm vụ tuần tra thường xuyên để bảo vệ du khách, ngăn chặn tội phạm trong cộng đồng. Là điểm đến nổi tiếng của Đông Nam Á, thành công của ngành du lịch Malaysia một phần nhờ vào hoạt động hiệu quả của cảnh sát du lịch. Cảnh sát du lịch tại Malaysia được quyền xử phạt nghiêm khắc, kể cả trục xuất ngay các tội phạm liên quan đến hoạt động du lịch như hướng dẫn viên “chui”. Theo luật quy định của ngành du lịch Malaysia, Singapore hay của nhiều quốc gia khác, mọi hoạt động của các đoàn du lịch đều dưới sự hướng dẫn của hướng dẫn viên bản địa. Những hướng dẫn viên này sẽ có trách nhiệm trong thuyết minh các điểm đến, lịch sử Văn hóa của đất nước sở tại tuyệt đối chính xác. Còn những hướng dẫn viên nước ngoài có đi theo tour đếnămalaysia thì chủ yếu chịu trách nhiệm về thời gian tham quan, quản lý lượng khách, ăn ở, hướng dẫn, đăng ký thủ tục tại các cửa khẩu, khách sạn cho khách của mình.

     Đối với Campuchia: Lực lượng cảnh sát du lịch được thành lập để bảo vệ du khách tại khu vực quần thể Angkor, Siem Riep. Đây là mô hình mà Campuchia học tập từ các nước đi trước như Thái Lan, Malaysia. Đối với Indonesia: Cảnh sát du lịch là một đơn vị thực thuộc Cảnh sát Indonesia. Họ sử dụng đồng phục chung của lực lượng, với mũ cao bồi và quần lửng, thường tuần tra dọc các bãi biển đông khách du lịch của Indonesia, nhất là ở Bali.   

     Đối với Nepal: Cảnh sát du lịch ở Nepal có nhiệm vụ đảm bảo an toàn và tạo điều kiện thuận lợi cho du khách, cung cấp thông tin và hỗ trợ du khách trong các tình huống phát sinh. Đây là một đơn vị đặc biệt trực thuộc Cảnh sát Nepal, được thành lập từ năm 1979, nằm dưới sự quản lý và điều hành của Bộ Du lịch và Hàng không dân dụng. Cảnh sát du lịch thường mặc đồng phục áo màu xanh da trời, quần tối màu. Hiện tại lực lượng này có mặt ở Kathmandu, Pokhara, Sunauli, và tương lai sẽ được mở rộng ra các vùng khác.

     Đối với Sri Lanka: Cảnh sát du lịch được Tổng cục Cảnh sát Sri Lanka thành lập từ tháng 6/2007 để giúp đỡ và bảo vệ du khách quốc tế cũng như người địa phương, đơn vị cảnh sát du lịch có nhiệm vụ góp phần quảng bá du lịch cho đất nước, đem lại cho du khách một trải nghiệm an toàn, đáng nhớ ở Sri Lanka. Tóm lại, qua nghiên cứu mô hình cảnh sát du lịch của các nước châu Á, trong đó có những nước Đông Nam Á có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về văn hoá, xã hội có th nhận thấy phần lớn các nước đều thành lập cảnh sát du lịch với tư cách là một bộ phận của lực lượng cảnh sát quốc gia có chức năng thi hành pháp luật về du lịch cũng như bảo vệ, hỗ trợ du khách. Cảnh sát du lịch còn là lực lượng góp phần quảng bá hình ảnh du lịch của đất nước họ với khách du lịch quốc tế cũng như thế giới.

     2.3 Một số đề xuất bước đầu cho việc thành lập cảnh sát du lịch tại Việt Nam

     Về mô hình tổ chức: Đối với Việt Nam hiện nay, Công an (bao gồm lực lượng cảnh sát) “là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội” (Điều 3 Luật Công an nhân dân2018), là lực lượng chính thức của nhà nước thực thi quyền lực nhà nước trong một phạm vi rất rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực mà chức năng chính là bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, trong đó bảo đảm trật tự an toàn xã hội thuộc về nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát. Điều 16 Luật Công an nhân dân 2018 quy định cụ thể nhiệm vụ và quyền hạn của công an nhân dân trong đó khoản 1 Điều 16 xác định một trong những nhiệm vụ của công an nhân dân là “bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”. như vậy, lực lượng cảnh sát du lịch phải là một bộ phận của lực lượng công an nhân dân thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực du lịch cũng như bảo vệ khách du lịch nói chung. Đây là mô hình cảnh sát du lịch của phần lớn các nước đã trình bày ở phần trên áp dụng. Về cơ sở pháp lý điều chỉnh hoạt động cảnh sát du lịch: Hiện nay, đạo luật tập trung điều chỉnh tổ chức và hoạt động của lực lượng cảnh sát chính là Luật Công an nhân dân 2018, còn các văn bản pháp luật khác là văn bản pháp luật chuyên ngành trong từng lĩnh vực cụ thể. Ví dụ: Luật Cảnh sát biển 2018 chỉ điều chỉnh những vấn đề liên quan đến lực lượng cảnh sát biển với địa bàn hoạt động là biển. Như vậy, với tư cách là một lực lượng thuộc công an nhân dân Việt Nam như mô hình tổ chức đề xuất ở trên, cơ sở pháp lý cao nhất điều chỉnh tổ chức và hoạt động của cảnh sát du lịch là Luật Công an nhân dân vào trong giai đoạn đầu thành lập, hoạt động. Trong tương lai, khi tổ chức và hoạt động của cảnh sát du lịch đã hoàn thiện, phù hợp với tình hình thực tiễn, có thể ban hành Pháp lệnh về Cảnh sát du lịch hoặc Luật Cảnh sát du lịch với vai trò là luật chuyên ngành điều chỉnh các vấn đề liên quan đến lực lượng cảnh sát du lịch tương tự như quá trình ban hành và phát triển pháp luật điều chỉnh lực lượng cảnh sát biển hoặc cảnh sát phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, vì Luật Công an nhân dân là luật chung nên các vấn đề cụ thể liên quan đến tổ chức và hoạt động của cảnh sát du lịch sẽ được quy định trong Nghị định của Chính phủ.

     Về chức năng, nhiệm vụ: Qua tham khảo mô hình cảnh sát du lịch của các nước, có thể nhóm các chức năng, nhiệm vụ của cảnh sát du lịch thành 3 nhóm chính: Thứ nhất, nhóm nhiệm vụ đảm bảo trật tự, an toàn xã hội: Phát hiện và bắt giữ tội phạm liên quan đến hoạt động du lịch như: Nhập cư bất hợp pháp, các tour du lịch “chui”, hướng dẫn viên đi tour không đúng với quy định, tai nạn giao thông đường bộ, ... Thậm chí là các hành vi lợi dụng tổ chức du lịch để tuyên truyền chống phá nhà nước, xâm phạm an ninh quốc gia. Thứ hai, nhóm nhiệm vụ thực thi pháp luật: Xử phạt hành chính đối với một số hành vi nhất định của du khách như hút thuốc lá nơi công cộng, đi vệ sinh không đúng nơi quy định, viết vẽ bậy lên khu vực di tích, gây mất trật tự nơi công cộng ... Thứ ba, nhóm nhiệm vụ hỗ trợ du khách: Bảo vệ du khách khỏi nạn trộm cắp, lừa đảo và hướng dẫn các du khách trong trường hợp bị lạc đường, cung cấp thông tin cần thiết cho du khách, hạn chế việc người bán hàng và các xe taxi tăng giá ép khách ... Cả 3 nhóm chức năng nhiệm vụ này đều cần thiết quy định cho lực lượng cảnh sát du lịch của Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, hiện tại nhiều nhiệm vụ cụ th trong các nhóm nhiệm vụ trên đã được quy định thuộc về thẩm quyền của các lực lượng chức năng khác. Vì vậy, cần thiết phải có sự điều chỉnh các văn bản pháp luật có liên quan khi quy định các chức năng, nhiệm vụ của cảnh sát du lịch để tránh chồng chéo, trùng lắp.

     Về địa bàn hoạt động: Lực lượng Cảnh sát du lịch phải là một bộ phận của lực lượng vũ trang, được tổ chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương do Bộ trưởng Bộ Công an quản lý, chỉ đạo. Tuy nhiên, việc tổ chức bộ máy của cảnh sát du lịch không theo một hệ thống thống nhất từ trung ương đến địa phương như lực lượng công an nhân dân nói chung, trong đó có cả cảnh sát phòng cháy chữa cháy, mà trước hết cần thành lập tại các khu vực trọng điểm về khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế như thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Nhà Trang, Đà Nẳng, Huế, Hà Nội. Quy mô của lực lượng cũng như số lượng nhân sự, vị trí đóng quân, cường độ hoạt động,... phải căn cứ vào tình hình thực tế mà không theo một khuôn mẫu thống nhất như đối với lực lượng công an nhân dân nói chung hiện nay.

     3. Kết luận

     Thành lập lực lượng cảnh sát du lịch tại Việt Nam là vấn đề cần thiết xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn. Điều này một mặt góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp du lịch Việt Nam phát triển, mặt khác, còn xây dựng một hình ảnh tốt đẹp về đất nước, dân tộc Việt Nam trong suy nghĩ, cảm nhận của du khách, đặc biệt là du khách quốc tế. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều cơ quan nhà nước, nhiều văn bản pháp luật, nên cần thiết phải có sự tham gia ý kiến của các chuyên gia, sự học tập, tổng kết kinh nghiệm các nước và chủ trương đồng bộ, thống nhất từ các cơ quan có thẩm quyền của trung ương để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc thành lập cảnh sát du lịch trong giai đoạn sắp tới./.

 

 

 

 

 

Bình luận

Bài viết liên quan

zalo